Anh à, em chết rồi...
(Truyện của Chân Ngắn)
"Anh à, em chết rồi..." (Ảnh minh họa từ Internet)
1. Khi tôi đang ráng mơ hết giấc mộng thì chiếc đồng hồ báo thức ở đầu
giường bắt đầu vang lên những hồi chuông inh ỏi. Nếu tôi không có bất
kì hành động nào chứng tỏ mình đã thức, sẽ có năm hồi
chuông dồn dập đinh tai nhức óc, giữa mỗi hồi là khoảng lặng năm giây.
Thông thường, phải hết hồi chuông thứ tư thì tôi mới lồm cồm bò dậy
trước khi hồi chuông thứ năm kịp đổ.
Nhưng hôm nay, đồng hồ chỉ mới reo được hai hồi rưỡi thì dừng.
Ban đầu, trong giây phút chập chờn giữa mơ và tỉnh, tôi cứ ngỡ mình
nghe lầm, hoặc giả là tôi đang chìm vào một giấc mơ khác, khi mà thính
giác chưa theo kịp hoạt động trên vỏ não. Nhưng rồi tôi
thấy mình đã tỉnh từ lúc nào, mắt đã mở thao láo và tai đã dỏng cả
lên. Tôi nằm im trong chăn, hồi hộp chờ đợi chuỗi âm thanh tiếp theo.
Hoàn toàn yên ắng.
Chiếc đồng hồ đã im bặt từ lâu.
Lẽ ra khi kim ngắn và kim dài tạo thành vạch thẳng đứng, chuông báo
thức phải reo ít nhất bốn hồi liên tục trước khi tôi chạm vào nó! Nhưng
hôm nay sao lại chỉ có hai hồi rưỡi?
Chuyện gì đã xảy ra với chiếc đồng hồ vặn dây cót của tôi?
Tôi muốn nhấc đầu lên quan sát, nhưng bỗng nhận ra mình không thể cử
động được cổ. Cảm giác như cái cổ của tôi đã biến thành một khúc gỗ nặng
trịch, lạnh ngắt. Rồi từ cổ, cảm giác nặng và lạnh này
tiếp tục lan dần xuống thân người, xuống hai cánh tay, cuối cùng là cả
hai chân. Cơ thể tôi bị tê liệt thật sự, nó đã biến thành một cái xác
bất động. Tuy nhiên, một điều kì lạ là đầu tôi vẫn hoàn
toàn tỉnh táo. Ngoại trừ việc không thể cử động các cơ trên mặt, còn
lại, tôi vẫn nhận biết và ý thức về xung quanh một cách rõ ràng.
Tôi nằm như vậy trên giường, thầm than ngày hôm nay xui xẻo.
Tôi sẽ muộn giờ làm mất! Mụ sếp khó tính thể nào cũng nhân dịp này mà
chì chiết tôi, đến cuối năm bình xét lại mang tôi ra làm bia phóng phi
tiêu cho cả phòng. Thật lòng tôi chả ham hố gì mấy danh
hiệu lao động gì ấy. Tôi chỉ thấy uất ức nếu vì chuyện không đáng này
lại có thêm một gót chân asin để người ta xăm soi, bới móc.
Tôi những muốn thở dài.
Nếu bình thường, tôi làm gì vào giờ này?
Chắc chắn là tôi đã bật dậy khỏi giường, vớ lấy cốc nước uống một hơi
nhằm thanh lọc cơ thể như báo đài vẫn dạy. Rồi tôi ngồi gặm một cái bánh
sandwich dai nhách, vừa gặm vừa tranh thủ mở điện
thoại lên mạng xem tin tức. Rồi uống một cốc sữa bổ sung can-xi mà
quảng cáo trên TV ngày nào cũng tua đi tua lại, rồi lao vào toilet làm
vệ sinh cá nhân, chải tóc thay đồ chuẩn bị đi làm. Đúng sáu
giờ rưỡi, tôi dắt xe ra khỏi nhà. Sau khi len lỏi qua đám xe cộ lúc
nhúc trên đường, tôi đến được cơ quan với một lưng áo sơmi ướt đẫm mồ
hôi mồ kê. Ở đó, tôi sẽ chúi đầu vào đống giấy tờ, sổ sách,
hóa đơn và chiếc máy tính đời cũ chạy mỗi chương trình kế toán cũng
phải lên xuống ì ạch. Đúng mười một giờ rưỡi, tôi sẽ đi ăn cơm với mấy
chị mấy cô sồn sồn trong phòng. Sẽ là món sườn ram mặn
đắng hoặc món cá kho lởm chởm xương ăn kèm bát canh lõng bõng vài cọng
rau xanh vàng. Một giờ rưỡi chiều, tôi trở lại chỗ ngồi thân quen của
mình. Khi kim đồng hồ chỉ bốn giờ rưỡi, cả phòng lục đục
thu xếp giấy tờ và lăm le mặc sẵn áo khoác, đeo sẵn giỏ, để đến lúc
đồng hồ chỉ năm giờ thiếu hai phút, xe máy đã ra đến cổng cơ quan. Trên
đường về, tôi sẽ ghé qua cái chợ đầu ngã ba mua mớ cá, bó
rau. Lại chật vật chen chúc qua một biển ken kịt xe cộ các loại, thở
phào vì cuối cùng cũng về đến nhà an toàn. Lại tắm rửa, giặt giũ, nấu
nướng, ăn uống, rửa ráy. Khi mọi việc đã đâu vào đấy thì
người cũng mệt rũ. Ngồi trước màn hình TV, tôi vừa xem vừa ngáp, cái
remote trên tay chuyển hết kênh này lại sang kênh khác. Mười giờ, tôi
leo lên giường và rất nhanh sau đó lại chìm vào những giấc
mơ không đầu không cuối. Đúng sáu giờ sáng hôm sau, chuông đồng hồ lại
reo và tôi lại bật dậy hốt hoảng.
Tối hôm qua, trước khi đi ngủ, tôi vừa nảy ra ý định xin sếp nghỉ một
tuần để đi du lịch một mình. Tôi thấy cần phải thay đổi không khí, nếu
không muốn nói thẳng ra là tôi đang chán ngấy tận cổ
những công việc lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác của mình. Thế mà
sáng nay chưa kịp nhớ đến dự định ấy, tôi lại phải nằm đây và hoàn toàn
không biết lí do vì sao.
Bây giờ, tôi tha thiết muốn ra khỏi giường, được bắt đầu một ngày với
những công việc quen thuộc kia. Ăn sandwich, uống sữa, còng lưng nhập dữ
liệu trên máy tính, ăn sườn ram, cá kho, kẹt xe hay
những bộ phim tẻ ngắt trên TV, cái gì cũng được, miễn là tôi được trở
lại cuộc sống bình thường như trước.
Tôi chợt nghĩ đến gia đình tôi. Bố mẹ tôi giờ này chắc đang tất tả
chạy bưng hủ tíu, bánh canh hết bàn này đến bàn khác. Trưa và chiều lại
hì hụi nấu cơm cho khách. Đến tối mịt thì đóng cửa, để rồi
ba giờ sáng mai lại tất tả dậy đi chợ, nấu nước lèo, nhặt rau, xắt
thịt, bóc hành… Đó là công việc hai ông bà đã làm trong suốt hai mươi
năm nay. Chỉ trừ những dịp lễ tết, cưới xin, giỗ chạp, chưa
bao giờ họ biết đến khái niệm nghỉ ngơi, liên hoan, du lịch.
Em trai tôi chắc đang nằm dài trên bàn, yên tâm ngáy o o đằng sau mấy
cuốn giáo trình dày cộp dựng trước mặt, xung quanh là lũ bạn léo nhéo đủ
chuyện trên trời dưới đất; trên bục giảng, một vị tiến
sĩ, giáo sư khả kính đang ngồi ngả người trên ghế, say sưa đọc to bài
giảng trên màn hình máy chiếu cho cả lớp cùng chép. Sở dĩ tôi có thể
miêu tả chi tiết như vậy là vì tôi đã được chứng kiến toàn
bộ cảnh tượng này trong một lần đến giảng đường tìm cậu em.
Tôi nghĩ đến người yêu của tôi.
Anh giờ này chắc đang ở công trình, hết đốc thúc đám công nhân khẩn
trương cho kịp tiến độ thi công lại đi bia bọt với mấy tay quản lí đô
thị, dụ ngon dỗ ngọt bọn họ giúp mình lấp liếm vụ căn nhà
đang xây vượt giấy phép đăng kí đến hai tầng lầu.
Sang năm chúng tôi sẽ làm đám cưới.
Những lúc bên nhau, tôi bảo, tôi sẽ chỉ sinh một đứa con, như thế mới
dồn đủ tiền mua sữa tăng chiều cao cho nó. Anh bảo, anh sẽ đảm nhận việc
thức trắng đêm nộp đơn vào trường mầm non cho nó. Con
của hai chúng tôi sẽ ngoan ngoãn, học giỏi, thành đạt. Rồi chúng tôi
sẽ dựng vợ gả chồng cho nó. Đến khi đó chúng tôi sẽ được nghỉ ngơi, lúc
thì đi câu lạc bộ hưu trí, lúc lại dẫn cháu ra công viên
chơi thú nhún. Cứ thế, chúng tôi nói về tương lai đầy hào hứng.
“Ngôi nhà của chúng ta sẽ thế nào nhỉ?!”, tôi nhìn anh, băn khoăn. Rồi
không ai bảo ai, chúng tôi đều chìm vào im lặng. Anh cắm cúi vào tờ báo
đang đọc dở. Trang rao vặt đăng đầy những tin bán nhà
và căn hộ chung cư mà giá mỗi mét vuông ít nhất cũng gấp đôi thu nhập
một tháng của chúng tôi gộp lại.
2. Cuối cùng thì tôi cũng ngồi dậy được.
Việc đầu tiên tôi làm là gọi điện xin phép sếp cho đi làm muộn chút
xíu. Sau khi hứng chịu một chuỗi cằn nhằn, ta thán lẫn hăm dọa, tôi cũng
được chấm dứt cuộc gọi. Khi chuẩn bị ra khỏi giường,
hình ảnh chiếc đồng hồ chết đập vào mắt tôi. Sau khi xăm soi, tôi nhận
ra dây cót của nó đã đứt. Đó là lí do vì sao chỉ đổ đến hai hồi rưỡi
chuông, nó đã dừng.
Chẳng hiểu sao, buổi sáng hôm ấy, những chuyện kì lạ liên tiếp xảy ra.
Trong lúc pha sữa, cái cốc thủy tinh quen thuộc bất chợt phát ra âm
thanh răng rắc, các vệt nứt lan ngang dọc như đất ruộng
khô nẻ, rồi với tốc độ chóng mặt, cái cốc vỡ tan tành ngay trước mặt
tôi. Nước nóng tràn qua mặt bàn xuống nền nhà, chảy cả vào chân tôi. Khi
ngâm chân vào thau nước, tôi lại phát hiện chiếc lắc
trên cổ chân trái đã đứt, hai khoen bạc nơi mối nối sẵn sàng rời nhau
bất cứ lúc nào.
Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng ở đó! Lúc dắt xe ra hiên, tôi lại bắt
gặp chiếc chuông gió vốn treo trên xà ngang giờ đang nằm phơi mình sõng
soài dưới nền gạch. Ngước mặt lên, nơi buộc chuông chỉ
còn sợi cước mỏng manh phất phơ trong gió. Ngay lúc ấy, một cơn rùng
mình chạy dọc xương sống, trong lòng tôi bỗng dội lên một nỗi sợ hãi
đinh ninh. Tôi linh cảm rằng tất cả những chuyện này đều là
điềm: chúng muốn thông báo cho tôi một chuyện khủng khiếp sắp xảy ra.
Đấy có thể là chết chóc.
Tôi đến cơ quan trong nỗi phập phồng sợ hãi. Bà trưởng phòng vừa gặp
đã nhảy xổ vào, xòe trước mặt tôi một đống giấy tờ sổ sách. Sau một hồi
huyên thuyên hoắng thoắng mà không thấy tôi lên tiếng,
bà mới sững lại, liếc qua mặt tôi, cổ họng phát ra tiếng ử hử tỏ thái
độ ngạc nhiên, kiểu như “có chuyện gì thế?”.
“Ngày mai tôi chết rồi!” Tôi nhìn bà ta, thẫn thờ.
“Chết à?” Bà ta cười rú lên. Mấy cô mấy chị đang ngồi giũa móng tay
thấy thế cũng quay lại cười hùa theo, dù không biết là chuyện gì.
“Chết thế nào? Chết như thế nào? Mà có gì đâu, không chết trước thì
chết sau. Có khi ngày mai tôi cũng chết ấy chứ! Chết nhanh vậy cũng đỡ.
Như bà già cạnh nhà tôi, cứ nằm đó điên điên dại dại cả
mấy năm nay rồi. Đang dưng giữa đêm lại khóc gào thảm thiết, mất cả
giấc ngủ!”
Mấy chị đang giũa móng nghe vậy thì nhao nhao lên. Bà trưởng phòng
thấy câu chuyện của mình được quan tâm nhiệt tình thì khoái lắm, càng
được đà thao thao bất tuyệt.
Chiều hôm ấy, tôi vừa về đến nhà trọ đã thấy bà chủ chống nạnh đứng
trước cửa. Gặp tôi, trên gương mặt bự phấn xuất hiện một nụ cười rộng
toét đến tận mang tai:
“Tôi đến báo trước để biết mà chuẩn bị. Tháng này tiền nhà tăng thêm hai trăm nữa nhá!”
Bà chủ hấp háy cặp mắt tí hin nhìn tôi, chờ đợi phản ứng. Nhưng tôi
vẫn cứ thừ người ra, không có bất kì dấu hiệu nào chứng tỏ tôi đã tiếp
thu những gì bà vừa nói. Cả ngày hôm nay tôi đã không thể
tập trung được gì. Cơm nuốt không trôi, giấc ngủ không trọn, suy nghĩ
thì đứt đoạn. Nhìn tôi ngơ ngẩn như vậy, bà chủ cũng thấy lạ.
“Sao thế?”
“Ngày mai tôi chết rồi…”
“Cái cô này, hết chuyện đùa rồi à! Vô tắm rửa ăn uống rồi ngủ một giấc là khỏe ngay ấy mà! Chắc là do làm việc quá sức.”
Tôi gật đầu thay lời cảm ơn rồi loay hoay lục giỏ lấy chìa khóa mở
cửa. Bà chủ đứng tần ngần một lúc thì chạy theo nắm lấy khuỷu tay tôi:
“Này này, hay cô cứ cho tôi ứng trước tiền nhà tháng này đi! Lỡ đâu…”
Sau khi bà chủ nhà về, tôi bắc ghế ra trước hiên, cẩn thận treo lại
chiếc chuông gió bị rớt. Trong buổi chiều tàn, tiếng chuông kêu lanh
canh lanh canh rất nhẹ, âm thanh mỏng mảnh ấy chẳng đủ khuấy
động sự trầm mặc ngưng tụ của không gian lúc cuối ngày. Tôi cứ thế
ngồi lặng trước hiên nhà, lắng nghe âm thanh của chuông gió và ngắm nhìn
những tia sáng cuối cùng còn hắt lên nền trời phía Tây.
Tôi quyết định gọi điện cho anh.
Tôi kể cho anh nghe tất cả những chuyện tôi đã gặp sáng nay. Cả mối lo âu thấp thỏm của tôi nữa.
Đầu dây bên kia, anh cười lớn:
“Em ngốc quá! Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi, việc quái gì
mà phải lo lắng như thế! Giờ này em nên tắm rửa, nấu nướng và ăn uống
như bình thường chứ không phải ngồi đó mà nghĩ ngợi vẩn
vơ như những thiếu niên đang độ tuổi dậy thì, tâm sinh lí chưa ổn
định. Em bảo ngày mai em chết á? Em nghĩ xem, tử thần có bao giờ nhân
hậu đến mức báo trước cho em biết ngày ông ta đến tìm em
không? Chẳng bao giờ! Thế nên hãy dẹp những suy nghĩ vớ vẩn tiêu cực
sang một bên. Lẽ ra em nên vui vì ngày hôm nay em vẫn được bình yên mới
phải.”
Anh nói hơi vội, có vẻ anh đang bận. Tôi cũng không muốn làm phiền anh
nữa. Chúng tôi cúp máy sau khoảng lặng dần dần xâm chiếm cuộc nói
chuyện. Bất giác môi tôi mấp máy nhắc lại lời anh vừa nói:
“Lẽ ra em nên vui…”
Buổi tối hôm ấy yên bình như mọi khi. Sau khi mọi việc tạm ổn, tôi leo
lên sofa và cầm remote chọn kênh. Vẫn những nhóm choai choai tóc xanh
đỏ rũ rượi nhảy như giật kinh phong, vẫn những bộ phim
xem mà chẳng hiểu diễn viên đang đóng phim hay diễn kịch. Khi tôi bắt
đầu ngáp ngắn ngáp dài thì chiếc remote tình cờ chuyển đến một kênh đang
có chương trình nói về cái chết và các phong tục mai
táng trên thế giới. Ngoài những tục thường gặp như địa táng, thủy
táng, hỏa táng, còn có những phương thức mai táng kì lạ hơn. Như ở Tây
Tạng có tục thiên táng, tức là người ta băm nhỏ tử thi ra,
đưa lên đỉnh núi cho kền kền ăn thịt; hay như tục huyền táng: quan tài
người chết được treo trên những tán cây cao hoặc vách đá chênh vênh.
Ngoài ra, còn có tục thụ táng, theo đó, thi thể những đứa
trẻ sơ sinh vắn số sẽ được bọc vào chăn và buộc lên cây.
Tôi tỉnh hẳn ngủ. Đập vào mắt tôi là hình ảnh một khu rừng âm u với
những cờ phướn phất phơ trong gió nhẹ, những tấm vải quấn xác người nay
đã bạc phếch tả tơi vì mưa nắng, những rong rêu phủ xanh
mặt đất và mạng nhện giăng trắng các hốc cây, những xương sọ mục nát
nằm vương vãi trên nền đất ẩm ướt.
Tôi nhìn chăm chăm vào màn hình tivi. Cảm giác những gân máu hai bên
thái dương đang chạy giần giật. Tôi không sợ những gì tivi chiếu. Cái
làm tôi run rẩy, ấy là trạng thái xúc động khi nhớ lại một
giấc mơ thường lặp đi lặp lại vào một mùa hè cách đây gần chục năm.
Tôi mơ thấy mình đang nằm đó, trên giường, hai tay để dọc theo hông,
chân duỗi song song; cả người đã được quấn vải liệm trắng
toát. Một ngọn nến leo lét đặt cạnh giường. Thi thoảng, ánh nến lại
chờn vờn nhảy nhót chực tắt khi có cơn gió thổi qua. Xung quanh tôi,
bóng tối dày đặc, đen kịt như một cái màng nhầy nhụa sẵn
sàng nuốt chửng lấy tôi khi ngọn nến kia tắt. Tôi nằm đó, mắt mở thao
láo, cố gắng nhìn xuyên vào màn đen thăm thẳm nhưng không thể thấy gì.
Cảm giác bất lực chiếm hữu toàn bộ tôi: tôi không biết
những gì đang chực chờ mình đằng sau màn đen chết chóc ấy. Việc duy
nhất tôi có thể làm là nằm đó và chờ đợi như một con cừu đáng thương nằm
trên bàn hiến tế chờ người ta thọc dao vào cổ họng mình.
Giấc mơ đó và sự lặp lại của nó đã ám ảnh tôi suốt mấy tháng hè ở nhà.
Trong khoảng thời gian ấy, tôi như người mất hồn, nửa mê nửa tỉnh, lúc
nào cũng cảm giác có ai đó, hoặc một cái gì đó đang
rình rập đe dọa sự tồn tại của mình. May mắn là khi trở lại trường,
việc học hành và các mối quan hệ đã nhanh chóng kéo tôi thoát khỏi nỗi
ám ảnh chết chóc đó.
Giờ đây, sau bao nhiêu tháng năm, cảm giác về sự chết chóc tưởng đã
ngủ quên lại đột ngột thức dậy trong tôi. Có một chút khác biệt là lúc
này tôi không còn sợ hãi nữa. Mười giờ đúng, tôi leo lên
giường, đắp chăn ngang người và gác tay lên trán nghĩ vẩn vơ. Nếu tôi
chết, sẽ thế nào nhỉ?
Tôi không thích kèn trống rình rang, kinh kệ ê a tụng niệm, cũng đừng
ai sụt sịt sướt mướt vì tôi. Đừng mất công cúng bái hay trấn yểm, tôi
chẳng làm được gì để đến nỗi các người phải sợ sệt mà đề
phòng. Vả lại, sau cái chết, chắc gì còn cơ hội cho tôi tồn tại?!
Vậy tôi sẽ được chôn hay hỏa thiêu?
Sau một hồi đắn đo cân nhắc, tôi mong muốn được nằm trong đất mẹ. Sẽ
là một nấm mộ xanh cỏ trong một khu nghĩa địa vắng vẻ nằm bên đường quốc
lộ thênh thang, như quang cảnh quen thuộc tôi gặp mỗi
lần đi xe đò về quê, hay mỗi lần giáp Tết theo bố ra sửa sang lại mồ
mả ông bà. Với tôi, cái chết và những gì sau nó nhiều khi chỉ đơn giản
như vậy thôi: một nấm mộ đắp bằng đất, cỏ phủ xanh non!
Nghĩ thế, tôi thấy lòng bình yên hẳn.
"Vả lại, sau cái chết, chắc gì còn cơ hội cho tôi tồn tại?!" (Ảnh minh họa từ Internet)
3. Hôm nay là một ngày đẹp trời.
Đồng hồ báo thức rất đúng giờ. Xong việc đánh răng rửa mặt, ăn uống
sửa soạn, cô thong dong dắt xe ra khỏi nhà và nổ máy, hòa vào dòng xe
nhộn nhịp trên phố. Đường hôm nay không đông lắm. Bầu trời
trên cao trong trẻo lạ thường, từng đám mây trắng như bông lấp ló qua
kẽ lá những tàn cây xanh ngắt. Gió sớm khẽ mơn man da thịt người đi
đường. Mùi cà phê từ những hàng quán ven đường phả vào
không khí thơm lừng khiến cô và nhiều người khác đều chạy xe chậm lại
một chút để hít hà hương vị nồng nàn ấy. Cảm nhận về ngày mới thật nhẹ
nhàng dễ chịu. Trên gương mặt cô, nụ cười phảng phất như
gió.
Nhưng cuộc họp sáng nay lại không được dễ chịu như thế.
“Tình hình hiện nay rất khó khăn, chúng ta buộc phải cắt giảm nhân sự thì mới duy trì được hoạt động.”
“Phải có người ra đi. Cô không phải là nhân viên tồi, nhưng chúng ta
chẳng còn lựa chọn nào khác. Chẳng ai muốn điều đó. Nếu có trách, có lẽ
nên trách cô không được may mắn bằng họ”.
Lời của vị lãnh đạo nhẹ bẫng như mây như bông mà sức giáng của nó lên
cô lại nặng tựa đá. Cô đưa mắt nhìn những người đàn bà đang túm tụm giũa
móng tay và xì xào bàn tán trong góc phòng, nhìn nụ
cười đãi bôi và cái vỗ vai ra chiều an ủi của cấp trên, rồi lại nhìn
tờ quyết định đang cầm trên tay. Cô chẳng nghĩ được gì. Hai khóe môi cô
khẽ nhếch. Khi người ta không muốn để lộ suy nghĩ của
mình, hoặc thật ra, người ta không nghĩ được gì, cách hay ho nhất là
nhếch khóe môi, như cười mà cũng như mếu.
Cô lại chạy xe ngoài đường. Lần này là chạy về nhà. Từ mai, cô sẽ
không phải hớt hải thức dậy lúc sáu giờ sau năm hồi chuông báo thức,
không phải nổi cáu với cái máy tính chạy như rùa và đống giấy
tờ ngồn ngộn chất bên, không phải gân cổ nhai miếng sườn mặn đắng với
mấy sợi rau lèo tèo điểm xuyết đĩa cơm mười lăm ngàn đồng, không phải
canh đúng năm giờ thiếu hai phút mới cho bánh xe trước
cán vạch vôi trắng nơi cổng ra vào cơ quan, và có thể cũng không phải
gà gật trước màn hình ti vi lúc chín giờ tối.
Trời vẫn rất đẹp, và ngày vẫn êm quá đỗi.
Nắng bắt đầu vàng thắm ngọn cây cuối phố. Rồi cứ thế, ánh nắng kéo
thành vệt dài chạy đến những tàn cây trước mặt cô. Có gì đó phản chiếu
lấp lóa, dội thẳng vào mặt cô khiến cô nheo mắt, đưa tay
lên che theo phản xạ. Luồng gió lạnh tạt qua người cô. Một chiếc xe
tải chạy lấn đường, vụt lên rất nhanh. Cô thấy mình được ném lên không
trung, lâng lâng giữa buổi sáng tràn ngập nắng. Trên cao
kia, bầu trời xanh quá, cô thầm nghĩ. Còn cái gì đỏ thế kia? Cái gì mà
đỏ tươi, đỏ thắm, đỏ đến quay quắt? Giữa màu đỏ ấy, cô nhận ra ánh sáng
xanh lét đang nhấp nháy nơi chiếc điện thoại hình hạt
đậu nằm lăn lóc. Theo thói quen, cô rướn người, vươn tay đến lấy. Cô
hoảng hốt nhận ra thân mình đã mất hoàn toàn cảm giác. Nhưng lần này
không giống như buổi sáng hôm qua! Cô thực sự hoảng hốt.
Luồng lạnh ngắt từ đỉnh đầu đang từ từ lan tỏa. Một ý nghĩ vụt qua tâm
trí cô như tia sáng cuối cùng vụt qua màn đen đang bủa giăng, đông cứng
toàn bộ các nơron thần kinh. Cô bật nắp điện thoại.
Dãy số quen thuộc đập vào mắt. Anh đang gọi cô ư? Anh lo lắng cho cô
sao? Chẳng phải anh vẫn luôn tin rằng cô đang sống rất tốt?
Sao sáng nay ánh nắng trở nên chói chang quá đỗi?
Cô cười, vẫn nụ cười phảng phất như gió:
“Anh à, em chết rồi…”